Phải thay đổi toàn bộ lịch học, giáo án…
Theo dự thảo Bộ GD&ĐT công bố, phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 sẽ gồm 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).
Tại trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TPHCM những ngày qua “nóng” lên bởi giáo viên và học sinh trong trường đều hoang mang trước thông tin về kỳ thi THPT quốc gia, và chủ đề này được bàn tán khắp nơi. Ông Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, theo như dự thảo thi THPT năm 2017 công bố thì sắp tới, nhà trường sẽ phải tổ chức họp bàn để thay lại toàn bộ lịch học, giáo án đã soạn, cấu trúc lại thời lượng môn học và đặc biệt là trấn an tâm lý của học sinh, phụ huynh trước cú “sốc” này.
Theo ông Độ, thông thường giáo án sẽ được các giáo viên cập nhật hàng năm và đặc biệt là sau mỗi kỳ thi để giúp học sinh bám sát đề thi. “Muộn nhất là đầu tháng 8 các giáo viên sẽ phải in giáo án để bắt đầu ôn tập cho học sinh. Tính đến nay, khối 12 đã ôn theo giáo án được một đoạn đường thì đùng một cái thay đổi thi bằng tổ hợp môn, đặc biệt là Toán từ tự luận sang trắc nghiệm khiến cả giáo viên và học sinh ngơ ngác. Giáo án này chắc chắn sẽ phải thay thế để phù hợp với yêu cầu thi mới”, ông Độ giải thích.“Một dự thảo thi lớn như thế này cần phải công bố trước ít nhất là 3 năm hoặc vội lắm thì cũng phải trước 1 năm bởi hiện tại các em học sinh đã xác định khối thi, xác định chiến lược học tập nên chắc chắn sẽ trở tay không kịp. Chúng ta nên ổn định để tránh rúng động xã hội, tránh duy ý chí và đặc biệt là phải trực tiếp tham gia giảng dạy hoặc làm công tác quản lý mới thấy được phụ huynh, học sinh và giáo viên rúng động thế nào về dự thảo này?”.
Ông Nguyễn Đình Đô, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân,
quận Tân Phú, TPHCM
Bên cạnh đó, ông Độ cho rằng, kỳ thi 2015 và 2016 vừa qua được đánh giá tốt, chất lượng đề thi phần nào đáp ứng được 2 trong 1 (gồm xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH- CĐ) do có tính phân loại cao, chỉ có khâu xét tuyển có vấn đề. Vậy hà cớ gì thay đổi khâu thi cử để gây tâm lý hoang mang cho dư luận, cho học sinh.
“Một dự thảo thi lớn như thế này cần phải công bố trước ít nhất là 3 năm hoặc vội lắm thì cũng phải trước 1 năm bởi hiện tại các em học sinh đã xác định khối thi, xác định chiến lược học tập nên chắc chắn sẽ trở tay không kịp. Chúng ta nên ổn định để tránh rúng động xã hội, tránh duy ý chí và đặc biệt là phải trực tiếp tham gia giảng dạy hoặc làm công tác quản lý mới thấy được phụ huynh, học sinh và giáo viên rúng động thế nào về dự thảo này?”, ông Độ nói.
Thi Toán trắc nghiệm làm thui chột khả năng sáng tạo
Đó là quan điểm của ông Phạm Hồng Danh, Giám đốc Trung tâm Luyện thi Vĩnh viễn, TPHCM khi nói về bài thi môn Toán sẽ được thi bằng trắc nghiệm. Theo ông Danh, Toán là môn khoa học cơ bản, tư duy toán là nền tảng của các môn khoa học tự nhiên nên việc thi Toán bằng trắc nghiệm sẽ làm giảm đi 50% về tư duy lý luận, khả năng sáng tạo của học sinh.
“Như đề Toán hiện nay, để giải được học sinh ngoài kiến thức cần phải có cách lập luận lô gích, sâu sắc và sáng tạo. Bởi thế, có nhiều em dù biết kết quả nhưng không thể nào giải được. Nếu thi trắc nghiệm sẽ dẫn đến học sinh học vẹt nhiều hơn, có nhiều câu hỏi các em chỉ cần thay số, bấm máy tính là ra đáp án…”, ông Danh nói.
Ông Danh cho rằng, môn Toán cần phải thi tự luận vì như thế mới phát triển tư duy, lập luận, phát huy được khả năng sáng tạo, phân biệt được học sinh này với học sinh khác. “Còn nếu thi trắc nghiệm, vô tình chúng ta sẽ tạo ra 1 thế hệ rô bốt, thế hệ bấm máy tính hơn là tư duy. Và chắc chắn, tương lai sẽ ít các nhà khoa học về Toán học và khoa học tự nhiên”, ông Danh lo lắng.
Trong khi đó, ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt, quận Tân Phú cho rằng, một số nước cũng có đề thi Toán bằng trắc nghiệm, tuy nhiên cần phải có lộ trình để học sinh và giáo viên thích nghi bởi lâu nay chúng ta vẫn quen với hình thức thi tự luận.
Về đề thi, ông Nguyễn Đình Độ cho rằng, Bộ GD&ĐT cần phải khẳng định chứ không nên lấp lửng, dùng từ “chủ yếu” nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12. “Bởi mọi năm, Bộ cũng dùng câu này nhưng nội dung lớp 10 và 11 vẫn khá nhiều, nhất là năm này bài thi là tổ hợp của nhiều môn…”, ông Độ nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét