Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Vẫn dành tuyển sinh theo khối thi truyền thống A, B, C, D, A1

Trước câu hỏi “ Thí sinh đã ôn thi theo khối thi truyền thống A, B, C, D, A1 từ trước nay sẽ thi như thế nào?” .

Bộ GD&ĐT cho rằng, đối với các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D, khi điều chỉnh quy chế tuyển sinh sắp tới Bộ sẽ có quy định yêu cầu các trường dành chỉ tiêu thích hợp để xét tuyển đảm bảo quyền lợi của thí sinh đã ôn tập theo khối thi từ trước.

Năm 2015, các trường đã dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo khối thi truyền thống; năm 2016 đã dành ít nhất 50% và dự kiến năm 2017 các trường sẽ dành ít nhất 25%.

Tổ hợp các môn thi của các khối thi truyền thống được xác định như những năm trước đây. Các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ không có gì thay đổi. Các môn còn lại: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí sẽ lấy điểm thành phần tương ứng của các bài thi tổ hợp.

Cũng như năm 2015 và năm 2016, ngoài các tổ hợp xét tuyển truyền thống, các trường có thể quy định các tổ hợp xét tuyển mới, bao gồm cả bài thi KHTN hay bài thi KHXH, để xét tuyển vào các ngành nghề phù hợp.

Vậy “Học sinh có phải thay đổi như thế nào về cách học khi một số môn thi chuyển từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm?”

Bộ GD&ĐT cho rằng, trắc nghiệm khách quan (TNKQ) hay tự luận chỉ là hình thức của câu hỏi kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học. Cùng một nội dung kiến thức có thể kiểm tra bằng câu hỏi TNKQ hoặc tự luận. Câu hỏi tự luận không cho trước đáp án mà đòi hỏi thí sinh phải "tìm" đáp án; còn câu hỏi TNKQ thì học sinh phải "chọn" đáp án trong số những lựa chọn của câu hỏi.

Để "chọn" được đáp án đúng thì thí sinh phải biết "tìm" đáp án một cách nhanh chóng và chắc chắn. Điểm khác biệt duy nhất giữa hai hình thức này là thí sinh phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi tự luận) hay không phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi TNKQ).

Như vậy, theo Bộ GD&ĐT, hình thức câu hỏi TNKQ hay tự luận không ảnh hưởng gì đến cách dạy và cách học. Dù câu hỏi theo hình thức nào thì học sinh cũng phải nắm vững kiến thức, kĩ năng thì mới "tìm" rồi "chọn" được đáp án đúng một cách nhanh nhất, chắc chắn nhất.

Các trường ĐH, CĐ sớm công bố phương án tuyển sinh

Cũng theo Bộ GD&ĐT, Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh năm nay được thực hiện như năm 2016, do Sở GDĐT thực hiện theo phương thức tính điểm xét tốt nghiệp như sau: 50% số điểm từ 4 bài thi (đối với thí sinh phổ thông) hay từ 3 bài thi (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên) và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12.

Quy chế thi THPT quốc gia sẽ quy định cụ thể mức điểm tối thiểu đối với mỗi bài thi, môn thi (điểm liệt) để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đây là giải pháp để góp phần khắc phục tình trạng học lệch.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, khi Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, kết quả trung thực, khách quan như phương án thi/tuyển sinh 2017 đã dự kiến thì phần lớn các trường ĐH, CĐ sẽ căn cứ vào kết quả Kỳ thi để tuyển sinh. Chỉ có một số ngành năng khiếu sẽ tổ chức thi thêm môn năng khiếu và một số trường/ngành có yêu cầu cao sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt.

Tuy nhiên, Bộ cho rằng, việc tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được tổ chức theo hướng nhẹ nhàng, thuận lợi, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực, luyện thi tràn lan hay gây ra các bức xúc, khó khăn cho thí sinh.

Theo đó, các trường phải công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận), cách tính điểm xét tuyển từ kết quả THPT và kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt để thí sinh biết.

Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển phải sớm công bố phương thức tuyển sinh của mình. Phương thức tuyển sinh cần chỉ rõ: sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển hay chỉ để sơ tuyển và có thêm hình thức đánh giá năng lực chuyên biệt; tổ hợp các môn thi/bài thi để xét tuyển vào ngành/khối ngành, hệ số đối với môn thi/bài thi (nếu có); các điều kiện xét tuyển khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét