Đã nhiều năm nay ở Hà Giang, cô trò trường tiểu học thôn Hồng Ngài A (xã Sủng Thài, huyện Yên Minh) và trường mầm non thôn Nia Do (xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc) phải dạy và học trong điều kiện trường lớp xuống cấp trầm trọng, thiếu thốn cơ sở vật chất, không đảm bảo những yêu cầu tối thiểu nhất của ngành giáo dục. Nhưng không lâu nữa, những ngôi trường mới khang trang hơn sẽ được xây dựng ngay trên vùng cao nguyên đá khắc nghiệt này. Đây là hai công trình thuộc dự án Cùng xây tương lai do Prudential Việt Nam tài trợ và tổ chức Plan International Việt Nam điều phối thực hiện.
Trường cũ có thể sập bất cứ lúc nào!
Đó là tâm trạng lo lắng của các thầy cô đang dạy tại điểm trường tiểu học thôn Hồng Ngài A, xã Sủng Thài, huyện Yên Minh. Trường vốn có 3 phòng học dành cho 61 em học sinh thuộc các khối lớp 1,2 và 3 được xây theo kiểu trình tường của người Mông, nghĩa là toàn bộ khối nhà được xây dựng sát nền đất chứ không có móng cao.
Những bức trình tường vốn chỉ được nện bằng bùn đất mà không hề có cột trụ nên rất dễ sập mỗi khi mưa gió, lũ quét. Thêm vào đó, mái nhà được lợp bằng tôn xi măng (fibro xi măng) khiến các phòng học trở nên ẩm thấp, thiếu ánh sáng, chưa kể đến việc fibro xi măng là chất liệu được khuyến cáo không nên dùng trong xây dựng vì có thể gây ung thư. Ngoài ra, trường cũng không hề có sân chơi cũng như nhà vệ sinh, gây nhiều thiệt thòi và bất tiện cho cô trò nơi đây.
Tương tự, điểm trường mầm non thôn Nia Do ở xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc trông nhỏ xíu lọt thỏm giữa một hẻm núi sâu, quanh năm mây mù lạnh lẽo. Để vào đến nơi, đoàn xe chúng tôi phải vượt qua một đoạn đường núi đá quanh co, hiểm trở, sau đó lại phải đi bộ men theo một con dốc nhỏ gập ghềnh dẫn sâu xuống hẻm núi.
Gọi là trường nhưng thật ra đó chỉ là một ngôi nhà mượn tạm của dân làng, có hai phòng diện tích chừng 10m2 được dựng bằng bùn đất và tre nứa, thường xuyên bị dột và thiếu ánh sáng, không có nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch và bếp ăn. Nhưng đó lại là nơi học tập và vui chơi của 39 em từ 3-5 tuổi.
Hôm chúng tôi đến cũng là lúc cơn bão nhiệt đới số 3 đang đổ bộ vào miền Bắc gây ra mưa tầm tã và gió giật mạnh. Giữa khung cảnh đó chúng tôi mới phần nào cảm nhận được sự khắc nghiệt của vùng đồi núi hiểm trở này. Các em nhỏ ngồi co ro trong cái lạnh, vòng tay trước ngực, gương mặt ngơ ngác, hiền lành như những hòn đá nhỏ giữa cao nguyên cằn cỗi.
Niềm vui trường mới
Xã Sủng Thài huyện Yên Minh và xã Giàng Chu Phìn huyện Mèo Vạc đều là những địa phương khó khăn bậc nhất tỉnh Hà Giang, với tỉ lệ hộ nghèo luôn chiếm trên 50%, trong đó có rất nhiều hộ thiếu ăn 3-4 tháng mỗi năm.
Anh Giàng Chủ Lĩnh là một người dân trong thôn Hồng Ngài A, xã Sủng Thài, chưa quá 40 tuổi nhưng gương mặt anh hằn sâu những nếp nhăn khắc khổ của một người lao động vất vả. Hai vợ chồng làm lụng ngoài rẫy ngô từ sáng đến chiều tối vẫn không đủ ăn, nên anh phải đi đập đá và khuân đá thuê ở biên giới.
Tuy nhiên, anh khẳng định chắc nịch: “Tôi phải cho con đi học để biết cái chữ, để không khổ như cha!”. Trong khi đó, anh Sùng Mí Dế ở thôn Nia Do, có 5 con đang đi học thì quả quyết: “Cho con đi học để mai này về giúp xã, giúp dân”. Nhà anh Dế rất nghèo, cả nhà chỉ được ăn 1 cân thịt mỗi tháng, còn lại toàn ăn mèn mén (bột ngô tẻ) với rau rừng qua bữa. Bởi vậy khi tham dự lễ khởi công xây trường học mới, cả anh Lĩnh ở Hồng Ngài A hay anh Dế ở Nia Do đều vui mừng khấp khởi. Cùng với bà con trong thôn, họ ngắm nhìn mảnh đất trống đã được cào bằng để chuẩn bị xây dựng mà không giấu niềm hy vọng.
Từ những mảnh đất này rồi đây sẽ mọc lên những ngôi trường mới khang trang, đẹp đẽ, có đầy đủ trang thiết bị cần thiết, có sân chơi an toàn, nhà vệ sinh sạch sẽ và bếp ăn tiện lợi.
Nhưng có lẽ, người vui mừng nhất chính là các thầy cô giáo đã tình nguyện gắn bó nơi vùng cao. Bao khó khăn thiệt thòi là vậy nhưng các thầy cô vẫn luôn tâm huyết với công việc của mình. Cô Dương Thị Hạnh đã có 19 năm đem cái chữ dưới xuôi lên tận các thôn làng của xã Nậm Xe.
Năm học nào cũng vậy, cô Hạnh cùng các thầy cô giáo lại đến từng nhà gọi học sinh đến lớp, rồi đi xuống huyện mua sách vở và đồ dùng học tập cho các em. Còn cô Hoàng Thị Chờ vốn là người Giàng Chu Phìn thì xem việc dạy học trên mảnh đất quê hương như là một tâm nguyện đã thành hiện thực. Có trường mới, các cô sẽ càng có thêm động lực để yên tâm công tác và gắn bó hơn với vùng đất vốn cằn cỗi khắc nghiệt này.
Hai công trình trường học mới ở thôn Hồng Ngài A và thôn Nia Do sẽ bao gồm 3 phòng học với trang thiết bị đầy đủ, nhà vệ sinh đạt chuẩn, hệ thống cung cấp nước sạch, cổng trường, sân chơi, hàng rào và bờ kè đá kiên cố chống sạt lở núi. Riêng công trình trường mầm non thôn Nia Do còn có thêm bếp ăn. Ngoài ra, phụ huynh các bé sẽ được tham gia vào các khóa học về việc khuyến khích con em học tập, sử dụng và bảo dưỡng các trang thiết bị, cơ sở vật chất của trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét