Chưa lường trước bức xúc xã hội
Tại cuộc họp báo cuối tuần qua, ông Võ Văn Hoan thừa nhận, chủ trương cấm dạy thêm học thêm thực hiện với quyết tâm cao đã chưa lường trước những bức xúc xã hội, và việc làm nhanh, làm mạnh đã ảnh hưởng đến những vấn đề khác. Đó là chưa chuẩn bị tốt tâm lý cho phụ huynh, học sinh, tạo căng thẳng và gây ức chế trong xã hội. “Đây là bài học kinh nghiệm của thành phố trong quản lý điều hành. Trước tiên phải xem tác động tâm lý để lường trước… Ngay chính trong đội ngũ cán bộ cũng chưa có sự thống nhất trong việc cấm dạy thêm học thêm”, ông Hoan nói.
Người phát ngôn của UBND TPHCM cho rằng: Dạy thêm - học thêm đã có từ xa xưa nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực học tập kiến thức cho học sinh (HS) yếu, nâng cao trình độ để HS giỏi tham gia các cuộc thi quan trọng của đất nước. Sau này, học thêm giúp HS thi vào các trường học lớn. Dạy thêm, học thêm theo ông Hoan xuất phát từ nhu cầu có thật, phụ huynh muốn con có thêm kiến thức để không thua sút bạn bè. Tâm lý của nhiều phụ huynh muốn con em tập trung vào học kiến thức thay vì bị thế giới ảo và không gian mạng lôi cuốn.
Dạy thêm đáp ứng nhu cầu nhưng sau này bộc lộ nhiều bất cập như không công bằng, HS cảm thấy bị o ép. Dạy thêm từ việc phụ thành việc chính, thời gian học nhiều hơn, lượng kiến thức cung cấp nhiều hơn, trong khi kiến thức dạy trong trường ngày càng bị cắt xén, dẫn đến tiêu cực. Nhiều cơ sở dạy thêm không đạt chuẩn, lấy học phí cao. Giáo viên “chạy sô”, sức khỏe và chất lượng giảng dạy không đảm bảo.“Đây là bài học kinh nghiệm của thành phố trong quản lý điều hành. Trước tiên phải xem tác động tâm lý để lường trước… Ngay chính trong đội ngũ cán bộ cũng chưa có sự thống nhất trong việc cấm dạy thêm học thêm”.
Chánh văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan
Ông Hoan nhấn mạnh: “Dạy thêm tiêu cực dứt khoát phải xử lý. Sắp tới, TPHCM sẽ chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường, xây dựng cơ chế chính sách chăm lo tốt hơn cho đội ngũ giáo viên, đổi mới sách giáo khoa, thi cử...”.
Chỉ cấm dạy thêm tiêu cực
Theo TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, các huyện ngoại thành như Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh,… hầu như không có trung tâm bồi dưỡng giáo dục. “Nếu cấm dạy thêm, học thêm trong trường, các em học ở đâu? Không lẽ buộc các cháu hàng ngày phải đi hàng chục cây số về trung tâm thành phố để học?”, ông Hùng băn khoăn.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thu Cúc, hiệu trưởng trường THPT Gia Định (TPHCM) cho rằng cơ chế thi cử, sách giáo khoa còn bất cập. Muốn HS tự học với đề thi phân hóa quá cao, chương trình nặng là rất khó, dẫn đến nhu cầu học thêm. Ngoài ra, Bộ GĐ&ĐT muốn giáo viên truyền thụ phương pháp cho HS tự nghiên cứu, dẫn đến không nói hết, để HS tự nghiên cứu, tranh luận. Trong lớp học trình độ HS không đồng đều. Một số HS không hiểu hết, phải học thêm chính các thầy cô của mình.“Các huyện ngoại thành hầu như không có trung tâm bồi dưỡng giáo dục, nếu cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường, các em học ở đâu?”
TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GĐ&ĐT TPHCM
Theo GS. TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GĐ&ĐT, dạy thêm - học thêm nhằm bồi dưỡng HS yếu, HS giỏi, bồi dưỡng kỹ năng chương trình còn thiếu, bồi dưỡng kiến thức thi cuối cấp hay phụ huynh có nhu cầu gửi con để đi làm… là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, một khi dạy thêm tràn lan, tiêu cực là không nên vì tạo ra môi trường căng thẳng cho HS.
Ông Võ Văn Hoan cho biết, thường trực Thành ủy vừa yêu cầu HĐND, UBND TPHCM xem xét thấu đáo việc cấm dạy thêm - học thêm. “Chủ trương của lãnh đạo thành phố là cấm dạy thêm tràn lan, tiêu cực theo quy định của Thông tư 17 và việc triển khai phải có lộ trình, dựa trên nhu cầu và kết quả khảo sát. Sắp tới Sở GD&ĐT sẽ tham mưu cho UBND thành phố”, ông Hoan nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét