Hội thảo do Hội đồng quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 30/9 tại Hà Nội.
Tự chủ nhưng nhà nước vẫn đầu tư
Sau khi Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục Đại học (ĐH) công lập giai đoạn 2014-2017 được ban hành, đến nay, có 14 trường ĐH được giao thí điểm tự chủ. Tuy nhiên, nhắc đến tự chủ, các trường đều nghĩ đến tự chủ tài chính, tức là sẽ bị “cắt” toàn bộ ngân sách nhà nước cấp. GS.Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ cho rằng chưa nhân rộng được mô hình tự chủ vì các trường còn dè dặt. Với chủ trương tự chủ, thái độ các trường khác nhau. Có 14 trường tự nguyện và đã được tự chủ. Nhưng vẫn có những trường còn lo lắng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay: “Vừa qua, không phải tất cả 14 trường ĐH tự nguyện xin tự chủ. Nhiều trường chúng tôi gặp và thuyết phục nhiều lần. Sau đó, các trường thấy việc đăng ký tự chủ không chỉ đóng góp mà còn giúp phá bỏ rào cản, để ĐH Việt Nam không sợ tự chủ”. Theo Phó thủ tướng, giao quyền tự chủ cho các trường ĐH hiện nay của Việt Nam đang có một số vướng mắc. Thứ nhất các trường có quyền quy định học phí ở mức cao hơn nhưng vẫn có mức trần. Vấn đề đặt ra, khi tăng thì ảnh hưởng cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của con em nông dân, con em người nghèo. Mối quan tâm đó hoàn toàn chính đáng. Làm thế nào để dung hòa được quyền lợi của cả hai bên? “Nâng học phí nhưng có học bổng. Có học bổng cho sinh viên xuất sắc và có học bổng cho cả sinh viên không xuất sắc nhưng nghèo” – Phó thủ tướng nói.
Điều vướng mắc thứ hai mà Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc đến là liên quan đến quản lý của Bộ GD&ĐT. “Bộ gỡ nhiều nhưng vẫn phải tiếp tục. Còn những quy định nào thực sự không cần thiết cho nền giáo dục tiên tiến thì bỏ, xem các nước làm thế nào thì mình cần học tập” – Phó thủ tướng đề nghị.
Thứ ba là mô hình quản trị ĐH khác trước và sau tự chủ thế nào? Theo Phó Thủ tướng, từ nhiều năm nay các trường ĐH có Hội đồng trường. Tăng quyền tự chủ của trường ĐH, giảm và bỏ sự can thiệp của cơ quan quản lý hành chính thì phải bỏ mô hình quản trị một thủ trưởng sang mô hình quản trị cá nhân kết hợp tập thể. Nhưng thời gian vừa qua các trường công vẫn chưa giải quyết được vấn đề này, quyền lực tập trung chủ yếu vào hiệu trưởng.
Cũng theo Phó thủ tướng, về ngân sách, thay vì nhà nước cấp tiền lương cho giảng viên như trước thì giờ lấy tiền đó cấp học bổng cho sinh viên thuộc các đối tượng ưu tiên. Hoặc cấp qua nghiên cứu khoa học. “Nói tóm lại nhà nước không cắt ngay tiền đầu tư cho Đại học. Chi thường xuyên giảm dần để tăng tính tự chủ, trách nhiệm của các trường. Nhưng tổng đầu tư không giảm. Các trường ĐH hãy bỏ trong đầu nỗi sợ tự chủ không còn ngân sách nhà nước. Tôi khẳng định: Tự chủ không có nghĩa là nhà nước không tiếp tục đầu tư. Vấn đề là thay đổi cách đầu tư mà thôi” – Phó thủ tướng chia sẻ.
Đề xuất bỏ cơ chế Bộ chủ quản
Tại hội nghị, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ của Quốc hội đề nghị phải sửa đổi Luật giáo dục ĐH phù hợp với quyền tự chủ ĐH. Từ năm 2005, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH đã được Luật giáo dục ghi nhận. Tuy nhiên, ngay trong Luật này vẫn có những hạn chế quyền tự chủ của cơ sở như không được tự quyết định chương trình đào tạo; nhà giáo, viên chức của cơ sở giáo dục ĐH được trả lương theo quy định về ngạch bậc và lương, phụ cấp của Chính phủ....
Vấn đề bất cập khác mà GS. Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh đó là phân tầng, xếp hạng ĐH. Cùng với việc phân tầng, xếp hạng, Luật Giáo dục ĐH cũng quy định mức độ tự chủ khác nhau giữa các cơ sở giáo dục ĐH và để ngỏ khả năng “thu hồi” quyền tự chủ. Ngoài ra GS. Thuyết còn đưa ra một số điểm không phù hợp trong Luật Giáo dục ĐH đối với tự chủ của các trường. Do đó, để thực hiện tự chủ ĐH, làm đòn bẩy nâng cao chất lượng đào tạo, GS. Nguyễn Minh Thuyết đề nghị cần sớm sửa đổi Luật Giáo dục ĐH và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như bỏ quy định phân tầng ĐH, bỏ quy định cơ quan quản lý nhà nước xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH, bãi bỏ cơ chế Bộ chủ quản, chấm dứt việc giao cho UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục ĐH.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng cho rằng trong công tác quản lý ngành, Bộ băn khoăn nhất một điều là về hội đồng trường. Tự chủ mà không có hội đồng trường thì không thể nào thực hiện được tự chủ. Hội đồng trường được thành lập mà không làm đúng vai trò chức năng, quyền lực tập trung ở một người là hiệu trưởng, thì không tự chủ được. Bởi như thế là không có dân chủ, không phát huy được sức mạnh tập thể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét