Sáng nay (30/9), Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Tự chủ đại học và trách nhiệm xã hội” với sự tham dự của hàng trăm trường đại học trên cả nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, có rất nhiều chỉ số để nói rằng giáo dục đại học “có vấn đề”. Ví dụ số lượng cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm, điều này còn tùy thuộc vào tình hình kinh tế xã hội, nhưng rõ ràng cũng có vấn đề về chất lượng đào tạo.
"Có nhiều nhà kinh tế nói với tôi rằng nếu ta có nhiều thật nhiều cử nhân ra cử nhân, thạc sĩ ra thạc sĩ, tiến sĩ ra tiến sĩ thì đó là nguồn lực thu hút mạnh mẽ hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết thêm.
Một trong những "vấn đề" của giáo dục đại học Việt Nam, theo Phó Thủ tướng là công bố quốc tế Việt Nam rất thấp. Cụ thể, trong số khoảng 10.000 tạp chí ISI thì Việt Nam không có cái nào; trong số khoảng 20.000 tạp chí Scorpus thì Việt Nam có 3 cái. Tuy nhiên, không có tạp chí của trường đại học cả mà toàn của các viện nghiên cứu.
Cũng theo Phó Thủ Tướng, vấn đề tự chủ đại học ở Việt Nam đã được đặt ra từ lâu và cũng đã thí điểm cách đây 10 năm áp dụng đối với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, rất đáng tiếc là sau đó vấn đề này lại không được thúc đẩy thêm, không đạt được những mong muốn đề ra.
Hãy bỏ nỗi sợ nếu tự chủ
Nguyên nhân chính dẫn tới vấn đề tự chủ chậm tiến triển, theo Phó Thủ tướng là do hầu hết đều hiểu lệch theo hướng tài chính, lo lắng rằng nhà nước sẽ không cấp tiền nữa thì không có tiền chi thường xuyên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu ra ba vấn đề đáng chú ý về tự chủ gồm: Tự chủ chuyên môn, dạy học và nghiên cứu liên quan đến quản lý nhà nước; tự chủ bộ máy tổ chức, nhân sự và về tự chủ tài chính.
“Ở những quốc gia như Đức, Pháp có tự chủ đại học có thậm chí rất nhiều nhưng nhà nước vẫn cấp kinh phí. Có nghĩa là tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không cấp kinh phí nữa”- Phó Thủ tướng nhận định.
Phó Thủ tướng chia sẻ, hãy hình dung 14 trường tự chủ hiện nay, nếu nhìn tinh sẽ thấy các trường được lợi vì được nhiều quyền mà vẫn được Nhà nước đầu tư: “Hãy bỏ ý nghĩ trong đầu nỗi sợ là nếu tự chủ thì không được nhà nước đầu tư nữa. Tôi khẳng định tự chủ không phải là Nhà nước không đầu tư chỉ có điều thay đổi cách đầu tư”.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đang soạn Dự thảo Nghị định theo hướng về cơ bản các trường đại học tự chủ tạo toàn quyền nhưng thay đổi mô hình quản trị, cơ quan chủ quản giảm sự can thiệp hành chính bằng việc đầu tiên là bổ nhiệm hội đồng trường lâm thời (6 tháng,1 năm).
"Đổi mới đại học còn khó khăn hơn đổi mới doanh nghiệp bởi nó liên quan đến con người cho nên trong thời gian tới chúng ta cần có trách nhiệm hơn, quyết tâm cao hơn”- Phó Thủ tướng chia sẻ.
Nhiều cơ sở giáo dục “ngại” tự chủ
Phó Thủ tướng chia sẻ, trong 14 trường đã tự chủ thì không phải trường nào cũng xin tự chủ mà chính Phó Thủ tướng phải đích thân đến gặp mặt, nói chuyện nhiều lần để bớt e ngại, lo lắng.
Theo PGS.TS Trần Quốc Toản, Hội đồng lý luận trung ương cho rằng, tự chủ đại học song phải có mô hình và bước đi phù hợp.
PGS Toản cho rằng điều quan trọng đầu tiên là về mặt nhận thức cần khắc phục cả hai cách hiểu sai lệch về cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục nói chung và của giáo dục đại học nói riêng.
Đó là quá nhấn mạnh một chiều đến “quyền” tự quyết định của các cơ sở giáo dục đại học mà không tính đến các điều kiện, trình độ , yêu cầu- trách nhiệm thực tế và khách quan bị chế định và tương tác với các chủ thể khác trong xã hội. Mặt khác, lại có khuynh hướng vẫn muốn “quản chặt” từ phía cơ quan quản lý nhà nước với nhiều lý do khác nhau. Đồng thời cũng có những cơ sở giáo dục “ngại” phải thực hiện cơ chế tự chủ vì không dám chịu trách nhiệm và vẫn muốn được bao cấp và bảo trợ theo cơ chế cũ.
Thậm chí, theo PGS Toản, còn có tư duy muốn được bao cấp kinh phí “đầu vào” nhiều hơn, nhưng được “tự chủ và quyền hạn” chi “đầu ra” cùng với quyền tự quyết định các hoạt động cao hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét